Chiến lược phát triển ngành dệt may, da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 108 tỷ USD vào năm 2030. Trong đó, với riêng ngành dệt may, thực hiện phát triển bền vững theo chiến lược đến năm 2030, cần kinh phí hàng ngàn tỷ đồng để nâng cao khả năng cạnh tranh.
Một trong những nội dung chính là đầu tư mạnh cho nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ sản xuất nguyên liệu xanh, nguyên liệu tái tạo; hỗ trợ các dự án chuyển đổi xanh, xử lý nước thải, hóa chất, năng lượng tái tạo… trong cả chuỗi sản xuất của ngành.
Dệt may là ngành công nghiệp phát triển nhanh nhờ hội nhập. Nếu như năm 2001, kim ngạch xuất khẩu mới đạt 1,96 tỷ USD, thì đến năm 2022 đã tăng lên 44,4 tỷ USD, chiếm 12% kim ngạch xuất khẩu của cả nước và đứng thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc và Bangladesh.
Ba tháng đầu năm 2023, đối mặt nhiều thách thức, trong đó vấn đề lạm phát ở các thị trường chủ lực như Hoa Kỳ, châu Âu, khiến sức mua giảm, đơn hàng thấp, nhưng ngành dệt may vẫn kỳ vọng cán mốc mục tiêu 45 tỷ USD.
Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), ông Trương Văn Cẩm cho hay, xuất khẩu 44 tỷ USD/năm, nhưng dệt may đang đối mặt với nhiều hạn chế như thiếu tính liên kết theo chuỗi giá trị, công nghiệp hỗ trợ kém phát triển, đặc biệt yếu về khâu dệt nhuộm.
Phần lớn doanh nghiệp trong ngành vẫn sản xuất theo hình thức gia công, giá trị gia tăng thấp; tỷ lệ xuất khẩu qua trung gian cao, rất ít doanh nghiệp xuất khẩu được bằng thương hiệu riêng.
Nhiều doanh nghiệp dệt may phản ánh, gần đây, họ thường xuyên nhận được yêu cầu mới về quy trình sản xuất xanh hóa, giảm phát thải từ một số nhà mua hàng châu Âu và Mỹ. Động thái này cho thấy, nếu doanh nghiệp không chuyển đổi để thích ứng nhanh sẽ bị mất đi nhiều cơ hội chốt đơn hàng trong chuỗi sản xuất, cung ứng của ngành, nặng nề hơn sẽ bị đào thải khỏi chuỗi sản xuất.
Ông Trương Văn Cẩm chia sẻ, xanh hóa ngành dệt may không chỉ góp phần vào việc thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, mà còn thực hiện yêu cầu cũng như quy định của các thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn.
Năm ngoái, Ủy ban châu Âu (EC) đã thông qua một chiến lược chung về tính bền vững và tái chế được của hàng may mặc. Mục tiêu của chiến lược là đến năm 2030, quần áo đưa vào thị trường EU phải “bền vững” và “tái chế được”, đảm bảo ít gây ô nhiễm môi trường.
Các quy chuẩn này sẽ ngày càng cao, dựa trên mức độ tuân thủ của doanh nghiệp về trách nhiệm đối với người lao động, môi trường, xã hội và người tiêu dùng trước khi sản phẩm được đưa ra tiêu thụ trên thị trường. Các quy chuẩn này sẽ không cố định mà liên tục thay đổi, đòi hỏi doanh nghiệp phải linh hoạt thích ứng, vì vậy, nếu doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu sẽ gặp khó khi xuất khẩu. Đây là vấn đề mà doanh nghiệp phải tập trung triển khai nhanh nếu như muốn khai thác tốt những thị trường như Mỹ, EU và các thị trường lớn khác.
Trước sức ép xanh hóa sản xuất từ các nhà mua hàng châu Âu, thời gian qua, một số doanh nghiệp xuất khẩu lĩnh vực dệt may, da giày… đang hướng đến đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm.
Là đơn vị xuất khẩu sợi lớn tại phía Bắc, cuối năm ngoái, Tổng công ty cổ phần Dệt may Hà Nội (Hanosimex) và Tập đoàn Hansae (Hàn Quốc) đã bắt tay thực hiện dự án đặc quyền về sản xuất vải tái chế. Với dự án này, Hanosimex và Hansae sẽ cùng xây dựng chuỗi cung ứng hoàn thiện từ sợi – dệt – nhuộm – may dành riêng cho các sản phẩm tái chế. Cụ thể, hai bên sẽ thực hiện dự án sản xuất sợi và vải từ xơ tái chế, toàn bộ sản phẩm từ nhà máy sẽ được may hàng xuất khẩu. Dự kiến, khoảng 4.000 tấn vải tái chế dành cho thị trường EU sẽ được đưa vào sản xuất trong thời gian tới.
Theo ông K.Kim, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hansae, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tác động không nhỏ tới các quốc gia trên toàn cầu, ngành dệt may cũng không thể đứng ngoài xu hướng này và cần thiết phải khởi động phát triển các sản phẩm xanh, dệt may tái chế… nhằm giảm bớt lượng rác thải.
Song với các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, nguồn tài chính còn hạn chế thì việc xanh hóa sản xuất thực sự là thách thức lớn. Để cải thiện hiện trạng sản xuất, ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp thì rất cần sự hỗ trợ từ Chính phủ, các tổ chức tài chính…